Trang

Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

" Những giọt lệ" - Bài thơ có giá trị nhân văn sâu sắc của Hàn Mạc Tử.

      



 alt

   Xin giới thiệu bài viết của cô giáo Hằng Nga, trường THPT Hoài Đức B, Hà Nội về một bài thơ của nhà thơ Hàn Mạc Tử với một đề tài mà khá nhiều nhà thơ của chúng ta đã từng quan tâm tới.

          "Nước mắt " là đặc ân mà chúa đã ban tặng riêng cho con người. Viết về " Lệ" có rất nhiều tứ thơ hay Xuân Diệu  từng viết:
" Trái đất ba phần tư nước mắt
Đi như giọt lệ giữa không trung"
Phạm Hầu viết về giọt lệ tình thổn thức như sau:
" Nàng và tôi, nhánh sầu chung rễ cội,
Kề vai nhau khi lệ với chiều rơi
Khi giọt sương âu yếm nhỏ lên người
Nàng và tôi là hai dòng lệ nối"
       Hàn Mạc Tử cũng viết về " Lệ" . Bài thơ " Những giọt lệ " mang đến cho người đọc rất nhiều suy tư.
Khổ thơ thứ nhất xuất hiện một câu hỏi thảng thốt: 
" Trời hỡi bao giờ tôi chết đi?
Bao giờ tôi hết được yêu vì
Bao giờ mặt Nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tợ si?"
        Kì lạ thay khi con người tự hỏi " Bao giờ tôi chết đi"? Và lạ hơn nữa khi người ấy lạ tự hỏi một lần nữa" Bao giờ tôi hết được yêu vì"? Phải chăng con người ấy không muốn được yêu vì? Hay người ấy không muốn những ngưòi yêu mến mình phải đau khổ? Sự thật trong cuộc đời nỗi lo sợ nhất của chúng ta không phải là nỗi khổ của bản thân mình mà lo những người yêu quí ta phải đau khổ vì ta không thể , không có khả năng đền đáp lại họ. Hàn Mạc Tử cũng thế, trong hoàn cảnh khắc nghiệt của mình anh không thể đáp lại tình cảm đối với những người yêu quí anh . Cho nên thi nhân ước " Bao giờ mặt Nhật tan thành máu, Và khối lòng tôi cứng tợ si" . Khi mặt nhật không còn, khi cõi lòng tê cứng ta sẽ không phải đau lòng vì ta được yêu mà không đền đáp được nữa. Như vậy giọt lệ thứ nhất là giọt lệ khóc cho những người yêu quí thi nhân. Giọt lệ thật vị tha và cao quí.
Giọt lệ thứ hai thi nhân khóc cho mình:
" Họ đã xa rồi khôn níu lại
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ"
         Những người yêu quí ta đã xa , Hàn không níu lại, mặc dù tình thương họ giành cho Hàn và Hàn giành cho họ đều chưa đủ. Không níu lại nữa vì níu lại sẽ làm những người ấy đau khổ khôn nguôi khi chứng kiến Hàn đang từng ngày tan rữa vì bệnh tật. Nhưng họ đi rồi, lại để lại trong lòng nhà thơ nỗi trống trải đến tận cùng, đến mất mát: " Người đi một nửa hồn tôi mất, một nửa hồn tôi bỗng dại khờ". Giọt lệ khóc cho mình cũng thanh cao không kém những giọt lệ khóc cho người. Nó đầy đớn đau, thi nhân tự nguyện nhận hết về mình những đau đớn đó để cõi thế bớt lệ rơi.
Giọt lệ thứ ba là giọt lệ của tạo hoá khóc cho những số phận đau khổ như Hàn:
" Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu
Sao bông phượng nở trong màu huyết,
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?"
         Nhà thơ lai thảng thốt tự hỏi về sự tồn tại của mình: " Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?" Và băn khoăn không biết " Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu"? để đến lúc này nõi đau nhân thế tràn ngập cả không gian, cả không gian như ứa máu " Sao bông phượng nở như màu huyết" . Có biết bao nhân tài đã phải chịu những số kiếp thật cay đắng. Một lần nữa triết lí của Nguyễn Du lại văng vẳng bên tai ta : 
" Nỗi hơn kim cổ trời khôn hỏi
Cái án phong lưu khách tự mang"
Và cả đất trời cùng nhỏ lệ thương cho những kiếp người tài hoa bạc mệnh đó:
" Sao bông phương nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu"
        Những giọt lệ này đẹp như những giọt châu. Ở đây Hàn Mạc Tử tự thương mình cũng giống như Nguyễn Du tự thương mình hơn 200 năm về trước
" Chẳng biết 300 năm lẻ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng?"
        Bài thơ có 3 khổ thơ  như ba giọt lệ ở cỗi đời. Cả ba giọt lệ đó đều rất đẹp, rất cao quí. Đọc " Những giọt lệ" của Hàn Mạc Tử , người đọc ai cũng sẽ chạnh lòng thương cho một ai đó, thương cho một điều gì đó ở cõi thế gian này. Nói như lời đề từ trong truyện ngắn " Nước mắt " của Nam Cao: " Người ta chỉ xấu xa hư hỏng trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỉ. Và nước mắt là miếng kính biến hình vũ trụ". Bài thơ chính vì lẽ đó mà có giá trị nhân văn vô cùng sâu sắc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét